Khi được hỏi một quy trình phỏng vấn bao gồm mấy giai đoạn, hầu hết câu trả lời là 2: Trước phỏng vấn và sau phỏng vấn. Tuy nhiên, chị Trân nhấn mạnh, một quy trình đúng sẽ bao gồm 3 giai đoạn: Trước, Trong và Sau phỏng vấn.
Vậy, trong từng giai đoạn bạn nên làm gì và đâu là các bí kíp cần ghi nhớ?
TRƯỚC PHỎNG VẤN
Đây được coi là giai đoạn kỳ công nhất. Lúc này, ứng viên cần dồn hết sức để biến cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng thành hiện thực. Có 4 thứ bạn cần đầu tư:
- Resume
- Cover Letter
- Thông tin công ty
- Những câu hỏi phổ biến trong buổi phỏng vấn
1. Resume & Cover Letter
Để trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là Resume chuẩn?”, các bạn tham dự được phân nhóm và tham gia vào trò chơi “Viết Resume của bạn”. Hầu hết các nhóm đều đưa ra được những gạch đầu dòng cần thiết trong Resume như thông tin cá nhân, bằng cấp, kinh nghiệm, mục tiêu nghề nghiệp,… tuy nhiên, cách sắp xếp thứ tự vẫn còn mơ hồ. Dưới góc nhìn của người có nhiều năm kinh nghiệm tuyển dụng, chị Trân giải thích, đối với một Resume của sinh viên, sau phần thông tin cá nhân thì cần ưu tiên đặt bằng cấp lên trên, nhưng với người đi làm, kinh nghiệm là thông tin thiết yếu cần được đưa lên đầu. Mục tiêu nghề nghiệp, sở thích, tham khảo (reference),… không phải là thông tin bắt buộc trong Resume. Đặc biệt, mục tiêu nghề nghiệp luôn là phần thử thách khó nhất, ngay cả với người chuyên nghiệp bởi bạn rất khó đoán định được mục tiêu của mình có phù hợp với sự phát triển của công ty mới hay không.
Với câu hỏi: “Sinh viên mới ra trường, không có kinh nghiệm, làm sao để vượt qua vòng sơ tuyển”, chị Trân khẳng định: Đúng là sinh viên sẽ thường bị “hù doạ” bởi hầu hết các tin tuyển dụng đều yêu cầu 1 – 2 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, cứ mạnh dạn ứng tuyển và điều quan trọng là bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy được các kỹ năng liên quan đến công việc thông qua mục kỹ năng và hoạt động ngoại khóa trong hồ sơ.
Ngoài ra, chị Trân cũng đưa ra 4 ghi nhớ hữu ích cho các bạn khi trình bày Resume & CV:
- Không nên “bê nguyên” các từ ngữ có trên tin tuyển dụng vào Resume, thay vào đó, bạn cần paraphrase (viết lại) theo ngôn ngữ của mình
- Có một bản Resume chuẩn và dựa vào đó để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của vị trí tuyển dụng
- Khi trình bày CV, hãy kể câu chuyện của chính bạn, đừng vay mượn người khác vì nhà tuyển dụng sẽ tinh ý nhận ra ngay trong lúc phỏng vấn
- Sắp xếp các ý trong phần bằng cấp và kinh nghiệm để trả lời cho câu hỏi: Vì sao công ty phải chọn bạn mà không là người khác?
2. Thông tin công ty & những câu hỏi phổ biến trong buổi phỏng vấn
Chẳng ai muốn tuyển dụng một ứng viên “rải đơn”, thay vào đó, ai cũng muốn tìm một người thực sự hiểu về công ty để cùng nhau phát triển. Hãy chắc chẳn bạn tìm hiểu về công ty ứng tuyển ĐỦ để thuyết phục họ chọn bạn: Sứ mệnh công ty là gì? Đâu là những sản phẩm/dịch vụ nổi bật của họ? Đối thủ của công ty là ai? Truyền thông đang nói gì về họ?… Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thêm về những thành phần cấp cao trong công ty (CEO, CFO, …), ngay cả những nhân viên bình thường cũng có thể cho bạn một số thông tin đắt giá về công ty đó.
Cuối cùng, bạn có nghĩ sẽ trả lời rành rọt những câu hỏi phổ biến trong buổi phỏng vấn? Chắc chắn là không. Vì vậy, hãy soạn thảo trước câu trả lời và thực hành nó. Dưới đây là một số câu hỏi thông dụng mà bất kỳ ứng viên nào cũng đều có “cơ hội” trả lời trong buổi phỏng vấn:
- Hãy giới thiệu sơ lược về bản thân bạn
- Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của bạn
- Tại sao bạn lại rời bỏ công việc hiện tại
- Kể về một thử thách bạn đã đối mặt trong công việc và cách bạn vượt qua nó
Tại hội thảo, chị Trân cũng tạo điều kiện để các bạn “đối mặt” với những câu hỏi này và trực tiếp sửa sai. Với câu hỏi giới thiệu sơ lược về bản thân, chị mách nước các bạn đừng lặp lại những thông tin đã được đề cập trong Resume, thay vào đó hãy nói những gì giúp thể hiện rõ thế mạnh của bạn trong công việc. Tương tự, hãy áp dụng phương thức “nói tránh, nói khéo” để trả lời lý do vì sao bạn nghỉ việc, chẳng hạn, nếu bạn chọn lý do muốn thay đổi môi trường, hãy nói về mong muốn làm việc tại môi trường tương tự như công ty mới. Về điểm mạnh và điểm yếu, chị Trân cho rằng đây là một câu hỏi khó, đặc biệt là phần điểm yếu. Cách trả lời tốt nhất là cô gắng “lách” từ điểm yếu sang điểm mạnh, tuy nhiên, để chứng minh nó, bạn nên gắn với tình huống có thật mình đã trải qua.
Ngoài ra, đừng trả lời KHÔNG khi được nhà tuyển dụng hỏi: “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”. Hãy “bỏ túi” một số câu hỏi “chất” trước khi đến buổi phỏng vấn như hỏi về văn hoá công ty, tiêu chí để họ đánh giá một ứng viên thành công, … Tuyệt đối đừng hỏi mức lương. Bạn đâu chắc mình sẽ được nhận, hơn nữa hiện nay thông tin về mức lương khá phổ biến trên mạng.
TRONG PHỎNG VẤN
Nếu bạn được gọi vào vòng phỏng vấn, bạn đã nắm trong tay 50% cơ hội được nhận. Việc của bạn giờ đây là giúp mình tăng thêm 20% cơ hội thông qua Ấn tượng đầu tiên. Hãy ăn mặc phù hợp, chuyên nghiệp, đến đúng giờ,… và quan trọng nhất là thể hiện hình ảnh chững chạc, tự tin. 30% còn lại phụ thuộc vào cách bạn trả lời câu hỏi. Bạn có thành công hay không sẽ dựa vào mức độ chuẩn bị và thực hành của bạn ở giai đoạn 1. Hãy trả lời đúng trọng tâm và quan trọng nhất là khôn khéo một-cách-thành-thật. Đừng nghĩ nhà tuyển dụng dễ “ăn lừa”, họ tinh vi hơn bạn tưởng rất nhiều đấy!
SAU PHỎNG VẤN
Phỏng vấn kết thúc, bạn tạm biệt nhà tuyển dụng bằng một lời cảm ơn. Vẫn chưa đủ! Hãy thể hiện rõ thiện chí của bạn bằng một email cảm ơn, nói một vài lời cảm nghĩ về buổi phỏng vấn và không quên thể hiện sự mong chờ cho kết quả cuối cùng. Nhưng nhớ là đừng thể hiện sự mong chờ quá mức nhé!
Cuối cùng, sau khi cùng các bạn thảo luận, các bạn học viên AIM còn được chị Trân sửa CV tại chỗ – một đặc quyền mà không phải ai cũng có được!
Nghệ thuật viết CV và phỏng vấn không quá khó để học. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn bạn cần hỏi chính mình là: Bạn mong muốn một công việc như thế nào? Cuối hội thảo, chị Trân không quên nhắc nhở: Các bạn hãy lên kế hoạch cho sự nghiệp dài hạn ngay từ bây giờ. Hãy tự hỏi bản thân: “10 năm nữa mình sẽ là ai?”. Một giám đốc marketing hay sở hữu công việc với mức lương trên $3,000? Bạn sẽ tiến lên mục tiêu đó theo cách nào? Đường vòng hay đường thẳng? Chỉ khi có một kế hoạch rõ ràng như vậy, bạn mới không bị xoay vòng trong chuỗi ngày phỏng vấn – đi làm – nghỉ việc – phỏng vấn.
Kỹ năng ‘bán mình’ thành công – để ‘săn’ việc chứ không ‘xin’ việc!
Marketing là ngành “make it happen” – chuyện bạn biết gì không quan trọng bằng bạn làm điều đó như thế nào. Đó là lý do vì sao dù bạn có bảng điểm thật đẹp cùng kinh nghiệm làm thêm không đảm bảo bạn sẽ được nhận vào phòng marketing. Trong marketing, thời gian đầu đi làm bạn sẽ làm ở vị trí Marketing Executive, dân gian gọi là ‘chân lon ton’ tức là làm mọi thứ. Lúc này, viết một email rõ ràng ngắn gọn quan trọng hơn việc bạn thuộc lòng các chiến dịch đang làm mưa làm gió trên Facebook. Thiếu những kỹ năng cơ bản để thực thi công việc như giao tiếp, xắp xếp thời gian – workload, tư duy phản biện hay khả năng suy nghĩ logic sẽ hạn chế rất nhiều cơ hội của bạn. Nếu bạn đang tìm kiếm một công cụ giúp bạn định hướng kỹ năng cần có trong môi trường làm việc, dành thời gian để tham khảo khoá học Soft Skills tại AIM tại đây.